Theo Charles Schwab, nhiệm vụ hạ nhiệt giá cả của Fed có thể sẽ gặp phải một số trở ngại và có một số tín hiệu mà thị trường cần chú ý để theo dõi về rủi ro này.
Các chiến lược gia tại công ty môi giới này dự đoán xu hướng giảm của lạm phát sẽ là “con đường gập ghềnh” dù nhìn chung đang hạ nhiệt. Trong một lưu ý mới, nhóm chiến lược gia đã chỉ ra một số áp lực của nền kinh tế Mỹ có thể khiến giá cả tăng trở lại.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhưng có một số rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, bao gồm việc Fed hạ lãi suất, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến trong những tháng gần đây và một số đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump", nhóm chiến lược gia của Charles Schwab cho hay.
Cụ thể, thuế quan sẽ thúc đẩy xu hướng tăng giá khi gánh nặng chi phí được chuyển từ các công ty nhập khẩu sang người tiêu dùng. Tương tự như vậy, các khoản cắt giảm thuế như ông Trump đề xuất có thể tiếp thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Fed có thể sẽ phải đối mặt với sự cản trở trong mục tiêu đưa lạm phát trở về 2%. Theo Cục Thống kê Lao động, CPI Mỹ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10, đúng với ước tính nhưng cao hơn mức tăng 2,4% của tháng trước.
Các chiến lược gia chỉ ra một số yếu tố gây áp lực cho nỗ lực hạ nhiệt lạm phát:
Chi phí lao động tăng
Theo dữ liệu của Fed, chi phí lao động đã leo thang trong những tháng gần đây khi chi phí lao động trong lĩnh vực kinh doanh tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III. Mức lương cao hơn được coi là lạm phát vì yếu tố này làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và có thể khiến họ tăng giá sản phẩm, được gọi là vòng xoáy tiền lương-giá cả.
Theo các chiến lược gia, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu xu hướng tăng đó có tiếp tục hay không nhưng nếu nguồn cung lao động vẫn thiếu và gây áp lực lên tiền lương thì tốc độ tăng của chi phí lao động sẽ nhanh hơn từ đó gây ra áp lực lạm phát.
Mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu
Thị trường chứng khoán thường có diễn biến ngược lai với lợi suất trái phiếu, vì dự đoán về lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Chỉ báo tương quan 120 ngày giữa S&P 500 và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm đã tăng lên mức dương, có nghĩa là cổ phiếu và lợi suất đang tăng song song do thị trường kỳ vọng lớn rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Các chiến lược gia cho biết, nếu mối tương quan này quay về mức âm thì đây sẽ là tín hiệu cho thấy mối lo ngại lớn hơn về lạm phát trong nền kinh tế. Theo đó, diễn biến này sẽ gây áp lực cho thị trường chứng khoán. Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định song rủi ro này sẽ rõ ràng hơn trong năm 2025.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng
Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm vượt 4,4% vào sau ngày công bố kết quả bầu cử, cao nhất kể từ đầu tháng 7.
Diễn biến này phản ánh thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ tăng cao. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo ngại về áp lực lạm phát trong tương lai.
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang mạnh lên
Nền kinh tế Mỹ dường như đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến của các nhà đầu tư. Theo Schwab, đây là một yếu tố khác có thể thúc đẩy lạm phát. Chỉ số Citi Economic Surprise, chênh lệch giữa số liệu kinh tế được công bố và dự báo, đã tăng vọt trong những tháng gần đây, từ mức khoảng -50 vào mùa hè lên 40 vào tháng 11
Các chiến lược gia nhận định: “Tăng trưởng mạnh hơn sẽ khiến Fed không thể hạ lãi suất nhiều như dự báo trong vài tháng trước. Yếu tố khác tác động đến lộ trình điều chỉnh chính sách của Fed là rủi ro lạm phát tăng cao hơn.”
Nhóm dự báo Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong vài tháng tới nếu lạm phát tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, lộ trình này sẽ chậm hơn và không mạnh mẽ vào năm 2025 so với chỉ 1 tháng trước. Theo công cụ FedWatch của CME, khả năng Fed tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 12 đã tăng lên 42%, so với mức 14% cách đây 1 tháng.
Tham khảo BI